Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Các thao tác chuẩn bị máy - in Offset

Công việc chuẩn bị máy in offset bao gồm các thao tác nhằm chuyển đổi qua việc in bài kế tiếp khi công việc in trước đó chuẩn bị kết thúc hay đã kết thúc. Việc chuẩn bị máy in offset chỉ hoàn tất và kết thúc khi các tờ in mới trên bàn ra giấy có chất lượng đạt yêu cầu.
Trách nhiệm của từng thành viên trong một nhóm thợ in phải khác nhau trong suốt quá trình chuẩn bị máy tuỳ theo công việc in cụ thể. Để việc chuẩn bị máy đạt hiệu quả cao cho ra các sản phẩm in offset chât lượng thì các vật liệu in cho công việc in kế tiếp phải được chuẩn bị sẵn sàng đâu vào đó khi công việc in trước đó vừa kết thúc.
Việc chuẩn bị chu đáo cho quá trình chuẩn bị máy nghĩa là phải có các vật liệu cần thiết tại các đơn vị in tại thời điểm cần thiết. Các bản in nên chuẩn bị sẵn sàng và kiểm tra trước,các tấm cao su phải được bố trí sắp đặt để khi cần có thể lấy ra và lắp trên ống cao su, chuẩn bị sẵn các tờ bọc lót đã được đo và cắt xén phù hợp để bọc các ống cao su. Giấy in, mực in và dung dịch làm ẩm cũng nên được kiểm tra lại và chuẩn bị sẵn sàng. Nếu có nhu cầu cần thay đổi một màu in nào đó thì các chất tẩy rửa nên được chuẩn bị sẵn tại máy in offset.
Để việc chuẩn bị máy in offset có hiệu quả là người thợ in phải nắm rõ công việc của mình và có sự phối hợp với nhau trong suốt quá trình in theo trách nhiệm đã được phân công. Trách nhiệm này thuộc về người trưởng máy, người phải biết cách tổ chức và giám sát đội ngũ của mình. Mỗi người thợ khi được tổ chức phân công tốt sẽ biết họ phải làm gì và làm điều đó vào lúc nào. Ví dụ, hai người thợ in có thể làm nhiệm vụ thay bản và tấm cao su, nhưng công việc chỉ hiệu quả khi một người thợ làm chính và một người phụ trên từng đơn vị in.
Trong suốt quá trình chuẩn bị máy in offset cần phải tốn một số tờ in để chạy thử, do đó không thể giảm các tờ in thử xuống tới mức thấp nhất để hoàn tất gấp rút việc chuẩn bị máy in. Và trong suốt quá trình chuẩn bị máy in offset, máy in được chạy ở vận tốc được thiết lập từ trước, ví dụ như khoảng 6000 tờ/giờ. Khi bắt đầu in sản lượng thì vận tốc in sẽ được tăng lên tới vận tốc khoảng 2/3 tốc độ tối đa và tăng dần khi cần thiết, để đảm bảo cho máy in offset có độ bền cao người ta chỉ chạy khoảng ¾  tốc độ tối đa.

1.CÁC CÁCH CHUẨN BỊ MÁY IN OFFSET
Quá trình chuẩn bị máy in offset có thể được chia làm ba cách: chuẩn bị máy ở mức đơn giản, chuẩn bị máy cục bộ và chuẩn bị máy lại toàn bộ.
Việc chuẩn bị máy đơn giản thường được thực hiện trên các máy in một màu dùng để in sách và các mẫu biểu. Công việc chỉ bao gồm việc thay bản, mực in còn lại trên máng; canh chỉnh lô máng mực và hệ thống làm ẩm; thay đổi khổ giấy …
Việc chuẩn bị máy in cục bộ xảy ra trên các máy in một màu và hai màu dùng để in 4 màu. Sau khi in xong hai màu đầu tiên máy in được dừng lại và rửa sạch các hệ thống cấp mực; lắp các bản in mới lên; các tấm cao su và các tờ bọc ống có thể được giữ nguyên. Các tờ in ở bàn ra giấy được lấy ra và đưa vào bàn nạp giấy, các thông số về tay kê ở bàn nạp giấy hoặc ra giấy không cần phải thiết lập lại.

Sau khi rửa xong hệ thống cấp mực thì cho mực in mới lên máng mực và canh lại cho màu in mới.
Cách thường được áp dụng nhiều nhất là chuẩn bị máy in offset một cách toàn bộ từ đầu đến cuối, bao gồm tất cả các bước cần thiết để bắt đầu cho một công việc in mới hoàn toàn. Tiến hành rửa máy toàn bộ đối với máy in một màu và hai màu; nếu in trên máy in 4 màu cũng sử dụng lại chính 4 màu in trước và không cần phải rửa hệ thống cấp mực tại các đơn vị in. Việc rửa máy hay rửa hệ thống cấp mực thường dựa vào công việc in trước đó. Bản in và các tờ bọc ống được thay đổi và tiến hành lau sạch bề mặt tấm cao su. Các thông số thiết lập cho bàn nạp giấy, các tay kê và bàn ra giấy thường được thay đổi.
2.CÁC THAO TÁC TRONG CHUẨN BỊ MÁY IN OFFSET
Các bước tiến hành trong quá trình chuẩn bị máy in offset thường phụ thuộc lớn vào các thông số thiết lập sẵn của những người vận hành máy in. Tuy nhiên, nên tuân thủ một qui trình chuẩn bị đã được thiết lập sẵn. Việc chuẩn bị máy in tốt sẽ giúp giảm thời gian dừng máy giữa chừng và tăng năng suất in. Bên cạnh đó cần phải áp dụng chế độ bảo trì thích hợp, kiểm tra chính xác các công đoạn trước in, kết hợp với việc giảm thời gian dừng do nhưng nguyên nhân khách quan khác như lỗi vật liệu hoặc lỗi do kế hoạch sản xuất.
Có nhiều phương pháp làm giảm thời gian dừng máy in offset nhưng cách tốt nhất vẫn là phối hợp hiệu quả giữa các người thợ in trong cùng một ca. Cần phải xem việc chuẩn bị in giống như điểm dừng tiếp nhiên liệu của cuộc đua xe thể thao Công thức 1.
Việc chuẩn bị máy bao gồm các bước sau:
  1. Đọc kỹ lệnh sản xuất.
  2. Kiểm tra bài mẫu, bản in, giấy in và mực in có tương thích với yêu cầu không?
  3. Canh chỉnh cơ học việc vận chuyển giấy.
  4. Bọc ống và lắp các bản in
  5. Kiểm tra các tấm cao su mới nếu cần.
  6. Chuẩn bị các hệ thống làm ẩm.
  7. Chuẩn bị cho hệ thống cấp mực.
  8. Kiểm tra lại một lần nữa.
  9. In các tờ in thử
  10. Kiểm tra các tờ in thử
  11. Kiểm tra lại việc định vị, chồng màu các hình ảnh in, chất lượng tờ in và màu sắc.
  12. Duy trì màu sắc ổn định.
Từ bước 9 đến bước 11 cần được lặp đi lặp lại cho đến khi in được một tờ in có chất lượng mà khách hàng chấp nhận. Tờ in đó thường được gọi là tờ in chuẩn.
Trước khi bắt đầu chuẩn bị cho lần chạy máy kế tiếp, giấy in của công việc in trước được lấy ra khỏi bàn ra giấy, các bản in được lấy ra và được cất giữ để có thể dùng đến sau này. Các tấm cao su bị hỏng thì cũng cần phải được thay mới. Nếu có thay màu in thì phải rửa lại hệ thống cấp mực và cũng có thể rửa luôn cả hệ thống làm ẩm.

2.1 Rửa hệ thống cấp mực.
Bước đầu tiến trong việc rửa hệ thống cấp mực là lấy hết mực in không còn in ra khỏi máng mực. Người thợ in sẽ dùng một con dao mực cẩn thận lấy mực in ra khỏi máy. Nếu mực in đã để trên máng vài tiếng đồng hồ thì nên bỏ luôn. Lưu ý: sử dụng một con dao mực bằng nhựa plastic thay vì bằng kim loại khi lấy mực in ra khỏi máy trong hệ thống cấp mực tự động. Dùng bộ phận tự động rửa hệ thống cấp mực là cách nhanh nhất để lấy mực in ra khỏi lô. Khi rửa hệ thống mực, cần sử dụng các dung môi thích hợp. Thông thường, việc rửa hệ thống cấp mực còn sử dụng hai loại dung môi. Dung môi thứ nhất là dung môi hoà tan được với nước để loại bỏ các chất dơ, keo và các chất thay thế cồn, dung môi thứ hai dùng để rửa sạch dung môi thứ nhất, để không còn dung môi còn lại nào bám trên các lô mực. Nên chú ý đặcbiệt đến hai đầu lô vì đây là nơi mực in sẽ tích tụ và đóng thành lớp trongsuốt quá trình chạy máy. Chú ý: không được lau chùi hai đầu lô hay bất kỳ chỗ nào của hệ thống cấp mực bằng tay trong khi đang chạy máy. Nếu rửa thật sạch hệ thống cấp mực thì có thể dùng máng mực lúc trước in màu đen để in màu vàng mà không xảy ra vấn đề gì trong việc nhiễm mực in trước đó. Nhà sản xuất lô mực sẽ khuyến cáo sử dụng các dung dịch rửa lô thứ hai nào là phù hợp với sản phẩm của họ. Kiểm tra để đảm bảo rằng nhà sản xuất lô cung cấp một tờ ghi các dữ liệu an toàn cho vật liệu (MSDS) với mỗi dung dịch hoá chất được dùng; một tờ MSDS sẽ cung cấp thông tin chi tiết về việc sử dụng các hoá chất, xử lý pha hoá chất và lưu trữ.

2.2 Rửa hệ thống làm ẩm.
Thông thường, các dung môi mực không được sử dụng để chùi rửa hệ thống làm ẩm, tuy nhiên trên các hệ thống lô cồn mới ta có thể dùng dung môi này để lau các lô làm ẩm và rửa lại bằng cồn.
Đối với hệ thống làm ẩm bằng nước dùng lô nỉ, các lô nỉ có khả năng thấm hút các dung môi mực nên phải được chùi rửa bằng các chất tẩy rửa thích hợp, sau đó được rửa sạch lại toàn bộ. Việc thay các lô nỉ làm mất rất nhiều thời gian mà người thợ in sẽ phải canh chỉnh lại. Các lô bị dơ có thể được giặt sạch và thay đổi trong suốt quá trình chạy máy. Các lớp phủ bọc ni phải được gắn vào một cách cẩn thận. Lớp nỷ bọc nên có độ chặt đồng đều dọc theo chiều dài lô và lớp bọc đều ở hai đầu lô phải hơi dư một chút, và khi xiết lại thì hai đầu lô phải phẳng đều không bị lỏng dây.
Mỗi lần lấy một lô nào đó ra khỏi máy in offset thì khi lắp lại vào máy phải theo đúng hướng của hai đầu lô lúc lấy ra. Nếu đảo hai đầu lô sẽ làm tờ in bị cuộn tròn hay lớp phủ bằng ni sẽ bị trượt. 

2.3 Chuẩn bị bản in để cất giữ.
Với một vài loại bản in, khi máy in offset dừng lại lâu hơn một vài phút thì cần phải được lau keo (ở phần này,cụm từ “keo” có liên quan đến chất tráng phủ - một phần đặc tính hoá học của bản in, có thể là gôm arabic hay một chất khác tương đương) nhà sản xuất bản in có thể khuyến cáo sử dụng các chất phù hợp cho việc lau chùi và bảo dưỡng bản in. Chỉ nên sử dụng chất phủ bản được nhà sản xuất khuyến cáo. Ví dụ: nếu dùng keo axít gốc nhựa đường (AGF) có thể gây ra hiện tượng mất phần tử in trên bản. Một lớp keo mỏng được sản xuất để phủ bề mặt bản in để chống lại sự oxi hoá có thể dẫn đến hiện tượng bắt mực tại những phần tử không in trên bản. Một bản in được lau keo sẽ dễ in nhanh hơn là bản in chưa được lau keo. Phủ keo để bảo vệ bản in trong khi vẫn còn gắn trên ống bản là việc làm khó khăn vì bị hạn chế không gian làm việc do đó cần phủ nhanh một lớp keo lên bản in còn đang được lắp trên ống bản, sau đó người thợ in có thể hoàn tất việc phủ keo cho bản in bằng cách đặt bản in lên trên một bàn làm việc lớn hơn và lau keo kỹ lại. Thông thường, một bản in đã lắp trên máy trước tiên sẽ được lau bằng một miếng bông đá đã được thấm ướt keo trong một dung dịch pha với nước. Sau đó toàn bộ bề mặtbản in nên lau đều bằng một miếng vải mềm đã được thấm ướt. Khi lau bản in bằng một lượng keo hợp lý thì sẽ không ảnh hưởng đến các phần tử in trên bản vẫn còn đang dính mực. Khi lau keo quá nhiều thì keo sẽ dính vào phần tử in như một lớp phủ dày lên đó và trở nên không thấm hút dung môi và xảy ra hiện tượng mất phần tử in do lau keo quá nhiều. Khi để keo khô thành một lớp mỏng và đều thì bề mặt bản in được lau bằng một dung môi hoà tan để lột lớp mực ra khỏi phần tử in và dùng giấy phủ bản in lại để không bị trầy xướt.

2.4 Chuẩn bị bài mẫu
Bài mẫu, bản in, giấy và mực in cần được kiểm tra đối chiếu với kế hoạch sản xuất, nếu có bất kỳ sự khác biệt nào trưởng máy phải báo ngay cho bộ phận giám sát in. Thông thường việc kiểm tra này đuợc tiến hành trước khi kết thúc công việc in trước đó như là một phần của khâu chuẩn bị trước in.

2.5 Xử lý cơ học việc vận chuyển tờ in
Thiết lập các thông số cho việc vận hành tờ in là một quá trình mất nhiều thời gian. Nếu phải thay đổi độ dày và khổ giấy in thì tất cả các thông số thiết lập phải được chỉnh lại tuỳ theo từng công việc in. Một số máy in thế hệ mới có các thiết bị canh chỉnh tự động tờ in.
Dưới đây là mô tả các bước thường được tiến hành trong việc canh chỉnh, vận hành tờ in trên máy in khi thay đổi giấy in.
1. Đặt bàn nạp giấy và giấy in vào đúng vị trí trên máy in offset.
2. Canh chỉnh các bộ phận của đơn vị tách tờ in như thiết bị điều chỉnh độ cao chồng giấy, các miếng chặn mép giấy, các chổi lông tách giấy và các lưỡi gà, các đầu hút đuôi giấy, các đầu hút đá giấy và các đầu thổi khí.
3. Canh chỉnh các bộ phận trên bàn xuống giấy: các lô đá giấy, bộ phận kiểm tra đúp giấy, các bộ phận vận chuyển tờ in đến các tay kê đầu như các lô dằn, các dây băng truyền và bánh xe chổi lông, các bộ phận hút chân không và các thiết bị kiểm tra sự xuống sớm hay xuống trễ của tờ in.
4. Canh chỉnh các tay kê đầu và các tay kê hông.
5. Thiết lập các nhíp bắt giấy và điểm dừng của ống ép. Nếu cấn thiết sẽ bù vào việc tờ in bị giãn ở đuôi giấy trên máy theo các sự chỉ dẫn của nhà sản xuất máy in.
6. Thiết lập áp lực của ống ép phù hợp với độ dày của vật liệu in.
7. Cho một tờ in đi quamáy để thiết lập các thanh vỗ, là các thiết bị hỗ trợ cho việc ra giấy và thời gian để mở miệng nhíp.
Các bước này cần được lập đi lập lại đến khi tờ in đi qua máy in offset một cách ổn định. Những canh chỉnh bổ sung thứ yếu cho tay kê hông và bàn nạp giấy cần thiết cho việc canh chồng màu saunày.

2.6 Lắp bản in
Các bước để lắp bản in đều khác nhau, phụ thuộc vào khổ máy in offset và máy in có hay không có trang bị bộ phận lên bản tự động hoặc bán tự động. Trong nhiều trường hợp, người thợ in sẽ đưa bản in đưa cho một người khác đang đứng giữa các đơn vị in để lên bản. Không có nguyên tắc gì được áp dụng vì tất cả các người thợ in cần phải biết cách sử dụng an toàn trong khi điều khiển nhấp máy để lên bản in.
Các thao tác cơ bản nên tuân thủ quy trình dưới đây:
·                    Kiểm tra các yêu cầu của công việc in để lắp bản in phù hợp lên máy.
·                    Kiểm tra độ chính xác của quá trình phơi bản và chất lượng bản in.
·                    Đo độ dày bản in bằng thước Panme xác định độ dày và chuẩn bị các tờ bọc ống. nếu cần phải thay đổi công việc in thì yêu cầu có sự bọc ống cho phù hợp.
·                    Kiểm tra làm sạch bề mặt ống bản và mặt sau của bản in. Điều chỉnh ống bản và nẹp bản để trả chúng về vị trí ban đầu hoặc về vị trí zero.
·                    Lắp bản in và tờ bọc ống lên ống bản
Các bước cơ bản của việc canh chỉnh bản in (bắn bản) như sau:
·                    Nếu như trên máy in không có các thước canh hay các dấu định vị thì dùng một cây viết chì vạch một đường thẳng từ bản in đến thân của trục ống hay đến rãnh chia.
·              Xác định độ dịch của bản trên ống bản để tạo ra được vuông góc cho hình ảnh in với tờ in. Vẽ một nhóm dấu móc mới trên thân ống hoặc rãnh ống. Lưu ý: nếu lạm dụng việc bắn bản nhiều quá sẽ làm rách bản in.
·                    Giảm áp lực xiết trên các chốt ở đuôi bản để bản in có thể tự kéo về phía cạnh đã được xác định.
·                    Dùng các chốt bên hông ống bản để đẩy đuôi bản qua một bên với một khoảng cách bằng với độ dịch ống bản được thực hiện ở bước 3.
·                    Xiết các chốt ở đầu bản để kéo bản in về phía của các dấu móc đã được vẽ.
·                    Xiết chặt các chốt ở đuôi bản in.
Có 3 điều này cần lưu ý khi lắp bản in là:
·                    Sử dụng đúng loại giấy bọc ống và kiểm tra độ dày của vật liệu bọc ống.
·                    Đảm bảo các ốc xiết căng bản phải đều lực và bản in phải áp sát lên ống bản.
·                    Canh bản in theo các dấu và mốc định vị trên ống bản. Nếu cần thiết có thể định vị lại cho bản in đã được lắp trên máy. Nếu phần tử in không vuông góc với các cạnh tương ứng trên tờ in hoặc không chồng vào các màu in trước đó thì cần phải canh lại bản in. Việc canh lại vị trí bản in thì luôn luôn tốt hơn là việc điều chỉnh các tay kê đầu.


Lên bản in tự động. Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất máy in đã trang bị trên các máy in thiết bị lên bản tự động hoặc bán tự động. Việc sử dụng một cách chính xác thiết bị lên bản này có liên quan đến các mức độ tự động hoá khác nhau của các thiết bị, tuỳ thuộc vào các nhà sản xuất máy in. Do đó cần phải tham khảo sự hướng dẫn trong việc vận hành cụ thể từng thiết bị. Các bước cơ bản khi vậnhành một hệ thống lên bản tự động là:
·                    Người thợ in đưa các bản in mới lên hộp chứa.
·                    Người thợ in xác định đơn vị in nào cần lắp bản mới và ấn nút bắt đầu quá trình lên bản.
·                    Thanh chắn an toàn tựđộng mở ra và nẹp đuôi bản in được quay hướng về ống bản.
·                    Nẹp bản mở ra, bản cũđược rút ra khỏi ống bản và đi vào khay chứa.
·                    Bản in mới sẽ rời khay chứa được đưa vào vị trí thanh nẹp bản và được gắn lên ống bản.
·                    Nẹp bản khép lại, thanh đưa bản trở về vị trí ban đầu và thanh chắn an toàn đóng lai.

Không phải lúc nào cũng cần thay tấm cao su và tờ bọc ống trong quá trình chuẩn bị máy. Đối với công việc in 4 màu số lượng lớn va đòi hỏi chất lượng cao thì nên thay cao su khi phát hiện có tấm cao su đã bị hỏng, nếu không sẽ mất rất nhiều thời gian cho việc thay cao su mới.